Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang phổ biến quy định xử phạt VPHC về an toàn thực phẩm thông qua hình thức phát Tờ gấp
Ngày 04/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, có hiệu lực kể từ ngày 20/10/2018 và thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Nhằm phổ biến quy định của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP và hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019”, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã biên soạn, in 10.000 tờ gấp “Một số quy định pháp luật về an toàn thực phẩm” và tổ chức cấp phát đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
QLTT tỉnh Tiền Giang phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật ATTT
Ngoài việc phổ biến một số quy định chung của Luật An toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang còn tuyên truyền các nội dung chủ yếu về quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP như các hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả. Đồng thời tuyên truyền một số quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính mà các cơ sở thường hay gặp phải như: Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm (sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng; không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy để chế biến thực phẩm…); vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm (sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng nhưng đã quá thời hạn sử dụng; không rõ nguồn gốc, xuất xứ…); vi phạm quy định về sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chế biến thực phẩm (sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm…); vi phạm quy định về tự công bố sản phẩm (sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm…); vi phạm quy định về đăng ký bản công bố sản phẩm (sản xuất sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với mức quy định…).
Đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã phát gần 6.000 tờ gấp “Một số quy định pháp luật về an toàn thực phẩm” cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và tiếp tục thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2019 theo Kế hoạch số 117/KH-CQLTT về phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2019 của đơn vị.