Từ ngày 05/02/2020, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5.5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Theo đó, Nghị định số 17/2020/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu, các quy định sửa đổi, bổ sung về kinh doanh rượu này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định tại Nghị định này. Trong quá trình phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, thương nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy và chữa cháy, còn trong quá trình bán rượu tiêu dùng tại chỗ thì thương nhân phải tuân thủ các quy định về phòng cháy và chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu thực hiện công bố sản phẩm rượu, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Thủ tục công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác liên quan.
Đáng chú ý, thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép; thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5.5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5.5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện; hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.
Ngoài sửa đổi các quy định về kinh doanh rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tại Chương II của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, còn bổ sung thêm Chương IIa về kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ vào sau Chương II. Theo đó, điều kiện sản xuất rượu có độ cồn dưới 5,5 độ gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở sản xuất theo mẫu quy định, trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.
Đối với trường hợp nhập khẩu rượu có độ cồn dưới 5,5 độ thì phải đáp ứng các điều kiện sau: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; rượu chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế; đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi thương nhân đặt trụ sở chính trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh theo mẫu quy định. Trường hợp bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ thì phải đáp ứng các điều kiện gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở kinh doanh trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh theo mẫu quy định. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.
Nghị định số 17/2020/NĐ-CP cũng quy định thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ có các quyền và nghĩa vụ sau: Được nhập khẩu, mua, bán rượu có nguồn gốc hợp pháp; đảm bảo thời hạn sử dụng của sản phẩm rượu theo công bố của cơ sở sản xuất; thực hiện trách nhiệm theo quy định Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định khác của pháp luật và không phải thực hiện dán tem rượu theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu. Ngoài ra, đối với rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên, trước ngày 20 tháng 01 hằng năm, thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, thương nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, thương nhân phân phối rượu, thương nhân bán buôn rượu, thương nhân bán lẻ rượu, có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh rượu năm trước của đơn vị mình về cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định.
Nghị định số 17/2020/NĐ-CP cũng bãi bỏ một số điều khoản của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP bao gồm: Khoản 1 Điều 3; Điều 7; khoản 2, 3 và 6 Điều 11; khoản 2, 3 và 6 Điều 12; khoản 4 và 5 Điều 13; khoản 4 Điều 14; khoản 3, 4 và 7 Điều 21; khoản 3, 4 và 7 Điều 22; khoản 5 và 6 Điều 23; Điều 24.
Bình luận