Lưu ý về xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Đội trưởng Đội QLTT

Hiện nay, một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính quy định việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác nhau đối với một hành vi vi phạm hành chính và điều kiện cụ thể cho việc lựa chọn từng biện pháp khắc phục hậu quả khác nhau đối với hành vi vi phạm hành chính. Do đó, sẽ dẫn đến tình trạng có biện pháp khắc phục hậu quả thuộc thẩm quyền áp dụng của một chức danh nhưng cũng có thể có biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền áp dụng của chức danh đó.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ có quy định biện pháp khắc phục hậu quả buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện.
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Đội trưởng Đội QLTT không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện.
Mặt khác, tại điểm b khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định:
“Trường hợp vụ việc vi phạm hành chính có nhiều hành vi vi phạm thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:
b) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt”.
Do đó, Đội trưởng Đội QLTT không có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm mà nghị định về xử phạt vi phạm hành chính có quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện; kể cả khi hành vi vi phạm không thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này mà thuộc trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khác thuộc thẩm quyền của Đội trưởng Đội QLTT.
Bình luận