Phạt tiền đến 40 triệu đồng đối với VPHC về Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp

Nghị định số 71/2019/NĐ-CP quy định cảnh cáo và phạt tiền là hình thức xử phạt chính. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực hóa chất là 50 triệu đồng, trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp là 100 triệu đồng. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân thực hiện; đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Bên cạnh hình thức xử phạt chính, Nghị định quy định hình thức xử phạt bổ sung gồm: tước quyền sử dụng có thời hạn đối với Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp; Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3, hóa chất DOC, DOC-PSF; Giấy phép, Giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; đình chỉ có thời hạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động hóa chất; hoạt động sản xuất, mua bán, nhập khẩu, khảo nghiệm hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; hoạt động cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, diệt khuẩn bằng chế phẩm; hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong hoạt động hóa chất, hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.
Ngoài áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 71/2019/NĐ-CP còn quy định các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc hủy bỏ kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất của tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất; buộc tái chế sản phẩm điện, điện tử sản xuất trong nước có hàm lượng hóa chất độc hại vượt quá giới hạn hàm lượng cho phép; buộc thu hồi hóa chất sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đã đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường nhưng chưa được phân loại; buộc thu hồi để tái chế hóa chất nguy hiểm là hóa chất độc gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đã đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường nếu còn khả năng tái chế; buộc khắc phục tình trạng không đảm bảo an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, đánh giá vật liệu nổ công nghiệp…
Nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngoài xử phạt các vi phạm quy định về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp thì còn xử phạt các vi phạm lĩnh vực hóa chất như: vi phạm về đảm bảo an toàn, điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất; sử dụng hóa chất, sử dụng hóa chất nguy hiểm để sản xuất sản phẩm hàng hóa khác; hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp, Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử; về phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc; về phân loại hóa chất, phiếu an toàn hóa chất, khai báo hóa chất nhập khẩu; biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất… Tùy theo hành vi vi phạm mà Nghị định quy định các hình thức xử phạt cụ thể.
Đáng chú ý, Nghị định quy định phạt tiền đến 20 triệu đồng đối với cá nhân (đến 40 triệu đồng đối với tổ chức) trong trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp (gọi tắt là Giấy chứng nhận). Đồng thời, Nghị định cũng quy định xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền các vi phạm khác liên quan Giấy chứng nhận này như: viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong Giấy chứng nhận; cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng Giấy chứng nhận; thuê, mượn, nhận cầm cố, nhận thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng Giấy chứng nhận; sản xuất, kinh doanh không đúng địa điểm, quy mô, loại hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện ghi trong Giấy chứng nhận; không thực hiện quy định về cấp lại Giấy chứng nhận khi có thay đổi về thông tin đăng ký thành lập của cá nhân, tổ chức…
Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Giấy chứng nhận nêu trên ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt chính, tùy theo vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, buộc khắc phục hậu quả như: tịch thu tang vật vi phạm hành chính là Giấy chứng nhận bị viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận từ 01 tháng đến 03 tháng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm…
Nghị định số 71/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp và Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP./.