Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang tăng cường biện pháp nghiệp vụ giám sát trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Hoạt động giám sát là một trong số các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) được quy định tại Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016 và Thông tư số 35/2018/TT-BCT ngày 12/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT.
Căn cứ quy định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang thường xuyên theo dõi, phân công công chức thực hiện biện pháp nghiệp vụ giám sát, qua đó làm căn cứ để tiến hành kiểm tra đột xuất, xử lý đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền. Nội dung giám sát bao gồm thu thập và xác minh những thông tin, tài liệu về tổ chức, cá nhân có dấu hiệu buôn lậu hoặc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; tổ chức, cá nhân có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm (ATTP), vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và gian lận thương mại; đánh giá độ tin cậy của thông tin, tài liệu do cơ sở cung cấp thông tin cung cấp; xác định nơi tập kết, tàng trữ, cất giấu hàng hóa vi phạm; làm rõ bản chất, quy mô, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tổ chức, cá nhân có dấu hiệu buôn lậu hoặc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, ATTP và gian lận thương mại; kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động tẩu tán hàng hóa, phương tiện vi phạm, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ của đối tượng vi phạm.
Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đang test nhanh mặt hàng bún tươi
Đối tượng thuộc diện giám sát gồm tổ chức, cá nhân có dấu hiệu buôn lậu hoặc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; tổ chức, cá nhân có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, ATTP, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và gian lận thương mại; tổ chức, cá nhân đang thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện hành vi vi phạm pháp luật theo tin báo của cơ sở cung cấp thông tin.
Việc giám sát đối với lĩnh vực ATTP chủ yếu được thực hiện thông qua công tác lấy mẫu test nhanh thực phẩm, các thông tin từ chỉ đạo của Tổng cục QLTT về vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm. Trong 04 tháng đầu năm 2019, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã tiến hành test nhanh 516 mẫu thực phẩm, kết quả có 23 mẫu dương tính gồm mì tươi, tàu hủ ky, lạp xưởng, mì sợi tươi, chả chay, chả lụa, cá xay, thịt heo, bánh lọt, bó xổ chay, chả cá dương tính hàn the. Qua đó, thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, yêu cầu các cơ sở kinh doanh không bán các sản phẩm có phản ứng dương tính nêu trên và ký cam kết chấp hành đúng quy định pháp luật về ATTP.