Nghị định số 115/2018/NĐ-CP: Phạt tiền đến 20 triệu đồng đối với hành vi không nộp bản tự công bố sản phẩm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Ngày 04/9/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2018 và thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP.
Các quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP đã được siết chặt hơn so với các quy định trước đó tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Cụ thể, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP không còn quy định hình thức xử phạt cảnh cáo mà chỉ quy định 01 hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Nghị định cũng tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm đối với một số hành vi trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghị định còn bổ sung thêm một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc ngừng việc sử dụng phương tiện vận chuyển; buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn. Qua đó, việc xử lý vi phạm được chặt chẽ hơn, các chế tài xử phạt cũng được hoàn thiện hơn. Ngoài ra, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về hậu kiểm nhằm phù hợp với phương thức quản lý thực phẩm mới, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Đặc biệt, Nghị định 115/2018/NĐ-CP còn có quy định về hành vi vi phạm quy định về tự công bố sản phẩm, một trong những nội dung được rất nhiều cá nhân, cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm quan tâm sau khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Theo đó, những hành vi vi phạm sau đây có thể khiến cơ sở tự công bố bị phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng: Không thực hiện thông báo, đăng tải, niêm yết bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật; không nộp 01 bản tự công bố sản phẩm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; không lưu giữ hồ sơ đã tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật; tài liệu bằng tiếng nước ngoài trong hồ sơ tự công bố sản phẩm không được dịch sang tiếng Việt và không được công chứng theo quy định.
Mức phạt tiền đối với các vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cũng cao hơn. Theo Nghị định, khi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo lộ trình quy định của pháp luật.
Các vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm cũng được quy định xử lý nghiêm khắc với mức phạt tiền cao hơn trước. Cụ thể: Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật.
Người có thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26 của Nghị định này thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương về an toàn thực phẩm và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.