Nghị định số 98/2020/NĐ-CP: Quy định cụ thể căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa

Theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì hàng cấm gồm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành và hàng hóa cấm sử dụng tại Việt Nam. Như vậy, hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam không còn là hàng cấm. Đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thì áp dụng quy định tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan để xử phạt vi phạm hành chính. Quy định giải thích từ ngữ hàng giả cũng có nhiều thay đổi, trong đó đáng chú ý là bổ sung quy định hàng giả là thuốc giả và dược liệu giả theo quy định tại Điều 2 của Luật Dược năm 2016, bỏ quy định về hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, bổ sung đối tượng hàng giả là thuốc thú y.
Ngoài ra, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ hơn về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ thông qua việc bổ sung quy định về căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP không còn phân biệt giữa giấy phép và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mà được quy định chung là giấy phép kinh doanh. Cụ thể, giấy phép kinh doanh gồm giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, văn bản xác nhận, các hình thức văn bản khác quy định các điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức đó theo quy định của pháp luật.
Một số nhóm hành vi vi phạm hành chính có chế tài xử phạt cao hơn so với trước đây như tăng mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng; hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Qua đó, tạo tính răn đe mạnh mẽ hơn đối với hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Việc xác định mức phạt tiền đối với các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng có sự thay đổi so với các quy định trước. Cụ thể, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định tùy vào từng loại hàng cấm (thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; thuốc lá điếu nhập lậu; pháo nổ…) mà việc xử phạt dựa trên số lượng, khối lượng, trị giá hàng hóa vi phạm, số tiền thu lợi bất hợp pháp để xác định mức phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với cá nhân, từ 02 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với tổ chức.
Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng điều chỉnh các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ và từ 5,5 độ trở lên. Đồng thời, bổ sung quy định xử phạt vi phạm khác về kinh doanh rượu, bia như hành vi bán, cung cấp rượu cho người dưới 18 tuổi; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động; kinh doanh sản phẩm rượu, bia tại các địa điểm cấm kinh doanh rượu, bia theo quy định; sử dụng lao động dưới 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Ngoài ra, quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại cũng có một số điểm mới như bổ sung quy định xử phạt đối với các hành vi bán hàng đa cấp bất chính; bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm quy định về quản lý chợ, kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại.
Đặc biệt, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đã giải quyết vấn đề trùng lặp về xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả với quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; trùng lặp về xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng tại Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 05/6/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và Nghị định số 119/2017/NĐ-CP.
Bình luận