Quy định mới về thẩm quyền xử phạt vi phạm phạm chính của QLTT trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định lực lượng QLTT được xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động QLTT, hàng hóa và hoạt động mua, bán, sử dụng động vật hoang dã, được quy định tại 06 Điều của Nghị định này, gồm:
(1) Điều 46: Vi phạm các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn.
(2) Điều 49: Vi phạm các quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật.
(3) Điều 51: Vi phạm các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
(4) Điều 52: Vi phạm các quy định về quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen.
(5) Điều 54: Vi phạm các quy định sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu giữ, vận chuyển sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen.
(6) Điều 55: Hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.
Thẩm quyền xử phạt của các chức danh thuộc lực lượng QLTT trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định như sau:
- Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500.000 đồng.
- Đội trưởng Đội QLTT, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục nghiệp vụ QLTT có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 25.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 3 Điều 4 của Nghị định.
- Cục trưởng Cục QLTT cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 3 Điều 4 của Nghị định.
- Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 3 Điều 4 của Nghị định.
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022, thay thế cho các Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ và số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ.
Bình luận