Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh rượu

Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh rượu
Theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất rượu công nghiệp, doanh nghiệp (DN) có dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến; bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP); bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường (BVMT); đáp ứng các quy định về ghi nhãn hàng hóa rượu; có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu.
Đối với điều kiện sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, các DN, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX hoặc hộ kinh doanh (HKD) phải bảo đảm các điều kiện về ATTP và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định. Đối với rượu thủ công để bán cho DN có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp nhằm chế biến lại thì phải có hợp đồng mua bán. Trường hợp không bán rượu cho DN có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.
Cũng theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện phân phối rượu, DN có quyền sử dụng hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn từ 150 m2 trở lên; rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về ATTP theo quy định; có hệ thống phân phối rượu trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; tại địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có ít nhất 1 thương nhân bán buôn rượu; có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài; bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), BVMT.
Đối với điều kiện bán buôn rượu, các DN có quyền sử dụng hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn từ 50 m2 trở lên; rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về ATTP; có hệ thống buôn bán rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi thương nhân đặt trụ sở chính với ít nhất 3 thương nhân bán lẻ rượu; có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu khác; bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về PCCC, BVMT.
Đối với điều kiện bán lẻ rượu, các DN, HTX, liên hiệp HTX hoặc HKD có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng; có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu; rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về ATTP; bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về PCCC, BVMT.
Về điều kiện bán rượu tiêu dùng tại chỗ, các DN, HTX, liên hiệp HTX hoặc HKD có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng; rượu tiêu dùng tại chỗ phải được cung cấp bởi thương nhân có Giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ rượu; bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về PCCC, BVMT; trường hợp thương nhân tự sản xuất rượu để bán tiêu dùng tại chỗ thì phải có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp hoặc Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Huỳnh Văn Nguyện, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, việc sản xuất rượu chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ; tập trung nhiều ở vùng sâu, vùng xa, quy mô nhỏ, theo thời vụ, vừa sản xuất vừa bán trực tiếp cho người tiêu dùng… Do đó, việc thống kê, kiểm tra, xử lý còn gặp nhiều khó khăn.
Để triển khai thực hiện nghiêm Nghị định 105/2017/NĐ-CP, Chi cục đã xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về kinh doanh rượu, thời gian thực hiện từ nay đến hết quý I-2019. Thông qua các hình thức tuyên truyền trực tiếp kết hợp với việc vận động các tổ chức, cá nhân SX-KD rượu ký cam kết chấp hành đúng các quy định pháp luật; phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, thị, thành tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong SX-KD rượu; tích cực tố giác các trường hợp vi phạm với cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý. Song song đó, Chi cục sẽ tiến hành rà soát, tổng hợp dữ liệu thống kê, điều tra cơ bản, phân loại các tổ chức, cá nhân SX-KD rượu theo địa bàn quản lý. Từ đó làm cơ sở để tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm đạt hiệu quả cao.
Đối với các tổ chức, cá nhân SX-KD rượu cần nâng cao ý thức trách nhiệm, nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật.
P.V