Triển khai đồng loạt công tác phòng, chống hàng giả giai đoạn 2021-2025 tại Tiền Giang

Thời gian thực hiện kế hoạch từ tháng 4 năm 2021 đến hết tháng 12 năm 2025. Tập trung kiểm tra các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, đồng hồ, mỹ phẩm, mũ bảo hiểm, dược phẩm, dược liệu và các loại hàng hóa thường xuyên bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Cục đề ra mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể cho từng năm. Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2025, đảm bảo tất cả cơ sở kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong năm 2024 không tái phạm; cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, cơ sở sản xuất trong các làng nghề không vi phạm các lĩnh vực này; tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền kinh tế số được tuyên truyền, vận động ký cam kết không bày bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đội QLTT số 6 kiểm tra tại cơ sở kinh doanh giày dép, túi xách
Kế hoạch được xây dựng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng cục QLTT và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, từng bước hạn chế, tiến tới đẩy lùi các hành vi vi phạm, tái phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Ngay sau khi kế hoạch được ban hành, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn Sở hữu trí tuệ IPT là đại diện sở hữu công nghiệp cho 14 doanh nghiệp nước ngoài có nhãn hiệu bị giả mạo; ra quân tổ chức kiểm tra, kiểm soát đồng loạt tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Kết quả, kiểm tra phát hiện 15 vụ việc có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (mắt kính PORSCHE, CHANEL, BURBERRY; đồng hồ ROLEX, PATER PHILIPPE, BURBERRY; túi xách, giày CHANEL, HERMÈS…). Lực lượng QLTT đã tạm giữ hơn 160 đơn vị sản phẩm các loại chờ xác minh, làm rõ các tình tiết liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Để đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư, cần có sự phối hợp của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Vì theo quy định pháp luật chỉ được chủ động kiểm tra và phối hợp xử lý đối với những mặt hàng như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, phương tiện giao thông, hóa chất dùng trong y tế, nông nghiệp, môi trường; đối với những mặt hàng khác thì phải có yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ mới được kiểm tra, xử lý.
Bình luận